Ở đế quốc La Mã Thần thánh Đại Phái bộ Sứ thần

Ngày 15 tháng 5 năm 1698, Đại Phái bộ Sứ thần và Pyotr Đại đế rời Amsterdam để đến Viên, thủ đô của đế quốc La Mã Thần thánh (còn gọi là đế quốc Áo). Các đại thần Áo nhất quyết cho rằng hoàng đế của họ không thể công khai đón tiếp một Sa hoàng giấu tung tích, nhưng Lefort kiên trì giúp đạt đến thỏa thuận cho một cuộc hội kiến riêng.

Cuộc hội kiến diễn ra trong Cung điện Favorits bên ngoài thành phố. Đúng theo cách giấu tung tích, Pyotr Đại đế được dẫn qua một cửa nhỏ của khu vườn, đi lên một cầu thang xoắn. Lefort đã dặn dò kỹ lưỡng nghi thức: hai hoàng đế sẽ đi vào một phòng khánh tiết dài cùng một lúc qua hai cửa đối diện rồi đi chầm chậm để gặp nhau đúng ở điểm giữa phòng, gần cửa sổ thứ năm. Không may là, khi Pyotr mở cánh cửa và trông thấy Leopold, ông quên mất lời dặn, sải dài bước chân tiến đến, tiếp cận Hoàng đế ở cửa sổ thứ ba. Cả triều thần Áo há hốc miệng: nghi lễ không được tôn trọng! Nhưng khi hai hoàng đế cùng tiến vào một nơi riêng tư để hội đàm, triều thần đều nhẹ nhõm mà thấy rằng Sa hoàng nước Nga hết mực tỏ lòng kính trọng hoàng đế của họ. Cuộc hội kiến thật ra chỉ là trao đổi những lời chào hỏi và kéo dài 15 phút.

Trong hai tuần lưu lại Viên, Pyotr Đại đế vẫn giữ tư thái vui vẻ và tôn trọng. Ông đến thăm Hoàng hậu, các công chúa và cố gắng tỏ ra dễ chịu. Ông ôn tồn từ chối số tiền triều đình Áo cung ứng cho chi phí của phái bộ Nga. Ông cho là số tiền này quá cao đối với "ông bạn quý" sau khi đã chịu gánh nặng chiến tranh; ông chỉ nhận một nửa. Các đại thần Áo thấy ông là con người khiêm tốn. Các đại sứ nước ngoài nói đến "tư cách tinh tế và thanh nhã" của ông.

Dù cho bao vẻ thân thiện bề ngoài, chuyến đi của Pyotr Đại đế đến Viên thất bại về mặt ngoại giao. Phía Nga đã mong Áo tiếp tục cuộc chiến mạnh hơn chống quân Ottoman. Thay vào đó, Nga phải nỗ lực ngăn chặn Áo chấp nhận đề nghị hòa bình của Ottoman có lợi cho Áo nhưng thiệt cho Nga. Hơn nữa, cái bóng của vua Louis XIV vẫn bao trùm phía Tây. Áo cần thoát ra phía Đông để lo đối phó với ông này. Bên duy nhất không hài lòng với triển vọng hòa bình là Pyotr Đại đế. Ít nhất, Hoàng đế hứa rằng ông sẽ tham khảo với Sa hoàng trước khi ký vào bất cứ hòa ước nào. Đây là điều tốt nhất mà Nga có thể đạt được.